Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Giáo xứ Bà Lụa sống Tam Nhật Thánh



TUẦN THÁNH, MÙA HỒNG PHÚC VỚI GIÁO XỨ


Mùa Chay và Mùa Phục sinh năm nay, giáo xứ Bà Lụa với muôn hồng ân Chúa Phục sinh, đã có những tâm tình hết sức đặc biệt. Từ những chuẩn bị bên ngoài, đến những diễn biến đời sống đạo đức của những giáo dân trong giáo xứ, cùng với cảm nhận bình an sâu xa mà Chúa ban cho mỗi người, lòng ai cũng cảm thấy thương Chúa Giêsu vô cùng.

Chúa đã luôn yêu thương và đồng hành với một giáo xứ Bà Lụa bé nhỏ này. Từng ngày qua, khi thấy dòng người quỳ chờ trước tòa giải tội để xin ơn tha tội và ơn hoán cải, thấy những tâm hồn nao nức hiện diện trước giờ cử hành các nghi thức Tam Nhật Thánh, thấy những nỗ lực phục vụ dấn thân trong công tác chung của tất cả mọi người, đặc biệt là ban điều hành giáo xứ, thấy những con người thầm lặng nhặt từng cọng rác để cho khuôn viên nhà thờ được tươi mới, thấy những em nhỏ chuẩn bị những công tác phục vụ cho nghi thức phụng vụ, thấy những nét bình an hiện lên trên từng khuôn mặt của người giáo dân…thì quả thực, chỉ có một lòng Hiệp Thông của những người tin mới có sức mạnh và tinh thần mãnh liệt như thế.

Đặc biệt, năm nay, những ngày Tam Nhật Thánh, sức chứa khiêm tốn của ngôi nguyện đường Giáo xứ như trở nên quá bé nhỏ so với dòng người tham dự. Mỗi nghi thức của Tam nhật diễn tả sâu đậm mỗi khía cạnh trong cao điểm tình yêu Con Thiên Chúa. Việc diễn tả các nghi thức có thể kéo dài, nhưng thời gian và không gian như dừng lại để lòng mỗi người vẫn luôn đắm chìm trong ngậm ngùi của Tình yêu Giêsu. Cao điểm là Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày mà bầu trời như sẫm lại, ngày mà mọi vật như lặng im trước cái chết của Con Thiên Chúa- một ngày vừa đầy tang thương nhưng lại vừa tràn trề niềm hy vọng.

Ôi tình yêu cao vời, tình yêu nhiệm mầu, tình yêu giao hòa, tình yêu nối kết, tình Chúa yêu trần thế chúng ta.

Quả thực Mùa chay năm nay, giáo xứ đã sống trọn vẹn lời mời gọi của Giáo hội là sống biến đổi. Từ các em thiếu nhi, các thanh niên nam nữ, những người trung niên đến các cụ già, như biểu lộ sự bình an của Chúa Phục sinh đang sống trong họ.

Chúa nhật Lễ Lá, cùng với Giáo hội hoàn vũ, giáo xứ Bà Lụa long trọng khai mạc tuần thánh.

Đoàn rước kiệu lá

Hợp với Dân chúng ngày xưa đón Chúa vào thành Giêrusalem, mỗi người giáo dân trên tay cầm lá để cùng tuyên xưng và tung hô Chúa Giêsu Kitô là cứu Chúa của mình, Ngài thuộc dòng dõi Đavít, là Vua vũ trụ và Vua lòng mọi người. Hôm nay, mỗi người cùng chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Người Tôi Tớ Giavê, Đấng cứu độ nhân loại duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Mỗi người một cành lá, mỗi người một tấm lòng, cùng kiệu lá, để nhắc nhở cho mỗi người nhớ đến biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng và huy hoàng. Đồng thời, việc kiệu lá cũng nêu cao vương quyền của Chúa Giêsu, Ngài là Vua các tâm hồn. Là những người tin Chúa, và cũng là môn đệ của Chúa, chúng ta cùng chúc tụng, tung hô, yêu mến và biết ơn Chúa Giêsu, vì Ngài đã chết cho chúng ta và vì chúng ta.

Bao tâm tình yêu mến của con dân trong giáo xứ được diễn tả lại qua việc mỗi người ý thức được giá trị và ý nghĩa của Mùa hồng ân. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, cộng đoàn giáo xứ đã được giáo xứ tổ chức 3 ngày tĩnh tâm đầy sốt mến và ý nghĩa, đã kín múc được tràn đầy ân thánh Chúa. Tất cả những gợi ý của quý cha giảng phòng đều mang đến cho dân Chúa một sức mạnh để biến đổi, để hy sinh, để sống trọn tâm tình của Đấng đã tự hạ mình chết cho tội lỗi nhân gian.

Với biết bao tâm tình đong đầy, mọi người bước vào Tam Nhật Thánh.
Trong Ba Ngày Thánh trọng đại này, mọi người như được sống lại những giờ phút. Giờ phút mà không chỉ là một tưởng niệm về một biến cố quá khứ, nhưng là cùng thông chia vào vinh quang của thập giá Đức Giêsu, và vinh quang phục sinh của Người nữa. Mỗi người trong giáo xứ đều mang nhiều tâm trạng. Buồn thương như chia ly với giây phút Chúa Giêsu và các môn đệ sắp từ biệt nhau; nhưng lại thật tràn đầy niềm hy vọng vì tình yêu thương của Thiên Chúa đã đến tột cùng.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày của Tình Yêu. Ngày nói lên Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu của loài người đối với Thiên Chúa và tình yêu của con người đối với nhau. Chúa đã để lại cho cộng đoàn những người tin vào Ngài một báu vật vô song là chính Mình và Máu Thánh của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và cũng với tình yêu ấy, cử chỉ khiêm tốn và yêu thương của Chúa Kitô đã thực hiện đối với các môn đệ, đó là rửa chân cho họ để dạy cho chúng ta bài học khiêm nhường, bái ái, yêu thương và phục vụ.

Đặc biệt, đêm nay, Giáo hội được mời gọi ở bên mộ Chúa, ở kề bên Chúa, lưu lại trong Tình yêu của Người qua việc chiêm ngắm Thánh thể. Cộng đoàn dân Chúa lại thêm một tâm tình cảm tạ mến yêu, bùi ngùi và xúc động quỳ trước Thánh Thể Nhiệm Mầu để thỏa lòng yêu mến kính tin. Các giờ chầu được tiếp diễn như một nhắn gởi yêu thương đến Chúa Giêsu: Đoàn dân giáo xứ Bà Lụa muốn được canh thức cùng Chúa và muốn được kết hiệp với Tình yêu của Người.
  
giờ chầu Thánh Thể chung và riêng của các giới

Bước vào thứ sáu Tuần Thánh, ngày mà mọi trái tim dù chai đá đến đâu cũng phải dãn ra khi được chiêm ngắm cái chết Con Thiên Chúa.
Cộng đoàn lại thêm một ngày được trải nghiệm tình yêu của Đấng cứu chuộc khi chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại. Người đã để lại cho con người bài học quý giá: ‘muốn đến được đến vinh quang, con người phải trải qua đau khổ’. Chiêm ngắm mầu nhiệm thương khó của Chúa không muốn chúng ta dừng lại ở những tâm tình đau khổ thương tiếc, nhưng đồng thời dẫn chúng ta tới sự kết hiệp giữa việc Đức Kitô chịu thương khó, chịu chết thì cũng là Đức Kitô đã chiến thắng, đã Phục Sinh.

Buổi Suy tôn Thánh Giá được diến ra trong bầu khí thật sốt mến. Người người cùng cung kính, kính cẩn trước một cây thập giá, một cây gỗ, nơi mà treo thân Đấng Cứu Độ. Chúng ta không phải là ca ngợi, tôn kính cái giá gỗ treo xác Con Thiên Chúa, bởi vì đó là vật vô tri vô giác. Chúng ta Suy tôn Thánh Giá cũng không phải là đồng ý với khổ hình mà giới lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ đã chọn cho Chúa Giêsu, bởi vì đó là việc làm bất nhân mà con người có thể gây cho nhau. Đêm nay, mọi người Suy tôn Thánh Giá là thờ lạy Con Thiên Chúa trong tư thế một tội nhân chịu tử hình thập giá để cứu độ nhân loại. Cũng đêm nay, chúng ta Suy tôn Thánh Giá là tôn vinh, ca ngợi tình yêu vô biên của Chúa Cha khi ban Con Một yêu dấu của Người cho nhân loại, và Tình Yêu vô cùng của Chúa Con, đã vâng phục hạ mình cho đến chết. Đồng thời, suy tôn Thánh Giá là để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và để hiệp thông với nỗi thống khổ Con Thiên Chúa đã chịu ngày xưa cũng như hôm nay trong các chi thể của Người trên thế giới.
suy tôn Thánh Giá

Tôn vinh Thánh Giá còn là chọn con đường thập giá, là sống lời Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mc 8, 34). Và chính khi đi theo Đức Kitô trên đường thập giá là chúng ta cùng được hiển thắng với Người như lời thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng với Người, ta sẽ được cùng hiển trị với Người” (2Tm 2, 12). Tôn vinh Thánh Giá là chúng ta tôn vinh với ý nghĩa “Nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Bởi vì, mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu thì cũng đồng thời tuyên xưng Người đã Phục Sinh.

Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, chính là lúc mà Thánh Giá là biểu tượng cao cả của một tình yêu vô biên: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13). 
hôn chân Chúa

Sự ngậm ngùi tang thương của ngày thứ Sáu Tuần Thánh lại mang một cảm xúc thật trọn vẹn cho những người tin. Tang thương mất mát, đau khổ tột cùng nhưng lại chứa chan niềm hy vọng. Tâm tình cảm mến đó được kéo dài đến ngày hôm sau của Tam Nhật Thánh. 


Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc thương khó và sự chết của Người.
Niềm tang thương, nỗi đau buồn, tâm tình bịn rịn nhưng cũng tràn trề hy vọng của ngày thứ sáu đã được khai mở bởi thánh lễ Phục sinh. Đêm nay là đêm cực thánh, đêm hồng phúc. Chúa Kitô ra khỏi mồ, vượt qua sự chết, Ngài đã chiến thắng tử thần để đi vào sự sống vĩnh hằng.

Thật nhiều xúc động và tâm tình của đêm cực thánh, đêm nay, một ánh lửa chiếu sáng nhân gian, là hình ảnh Đức Ki tô, Người đến xua tan bóng tối, xua tan tội lỗi, xua tan tội ác, của ma quỷ và của sự chết đang bao phủ chúng ta. Người người trên tay với ngọn nến cháy sáng được chia sẻ từ Ánh sáng Phục sinh, cùng với đoàn rước Nến Phục sinh thật sốt mến. Ánh Sáng Phục sinh, ánh sáng Chúa Kitô dẫn lối cho kẻ đang lạc bước trong đêm tối tội lỗi trở về cùng Thiên Chúa tình yêu. Ánh nến Phục sinh có sức lan tỏa tựa sức sống Chúa Kitô hiện diện, làm cho bao trái tim con dân giáo xứ Bà Lụa lại một lần nữa rung lên vì nhịp đập tình yêu.

Thánh lễ vọng Phục Sinh

Đêm yêu thương, đêm hồng phúc, đêm huyền nhiệm, đêm hân hoan, đêm nối kết trời đất, đêm giao hòa, đêm kết hợp muôn lòng với Thiên Chúa yêu trần thế. Đêm của tình yêu Giêsu, đêm của một tình bạn thẳm sâu, đêm mà bao đau đớn, xót thương, trầm lặng rồi vỡ òa theo nhịp đập của Trái tim Giêsu, để mọi tâm hồn cùng chung một lòng Halleluia. Chúa Kitô là đấng thống trị toàn năng đã vinh thắng khải hoàn, đưa mọi người về với Chúa Cha đấng đầy lòng thương xót. Ca mừng Chúa phục sinh, ca mừng tình yêu Thiên Chúa, ca mừng ơn cứu độ muôn đời. Giáo dân giáo xứ Bà Lụa hợp với triều thần thiên quốc cùng hát mừng Halleluia!


các hình ảnh liên quan:


  
Tu sĩ Giuse Lê Xuân Dinh
Ảnh: Têrêxa Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét