Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Giáo xứ Bà Lụa sống Tam Nhật Thánh



TUẦN THÁNH, MÙA HỒNG PHÚC VỚI GIÁO XỨ


Mùa Chay và Mùa Phục sinh năm nay, giáo xứ Bà Lụa với muôn hồng ân Chúa Phục sinh, đã có những tâm tình hết sức đặc biệt. Từ những chuẩn bị bên ngoài, đến những diễn biến đời sống đạo đức của những giáo dân trong giáo xứ, cùng với cảm nhận bình an sâu xa mà Chúa ban cho mỗi người, lòng ai cũng cảm thấy thương Chúa Giêsu vô cùng.

Chúa đã luôn yêu thương và đồng hành với một giáo xứ Bà Lụa bé nhỏ này. Từng ngày qua, khi thấy dòng người quỳ chờ trước tòa giải tội để xin ơn tha tội và ơn hoán cải, thấy những tâm hồn nao nức hiện diện trước giờ cử hành các nghi thức Tam Nhật Thánh, thấy những nỗ lực phục vụ dấn thân trong công tác chung của tất cả mọi người, đặc biệt là ban điều hành giáo xứ, thấy những con người thầm lặng nhặt từng cọng rác để cho khuôn viên nhà thờ được tươi mới, thấy những em nhỏ chuẩn bị những công tác phục vụ cho nghi thức phụng vụ, thấy những nét bình an hiện lên trên từng khuôn mặt của người giáo dân…thì quả thực, chỉ có một lòng Hiệp Thông của những người tin mới có sức mạnh và tinh thần mãnh liệt như thế.

Đặc biệt, năm nay, những ngày Tam Nhật Thánh, sức chứa khiêm tốn của ngôi nguyện đường Giáo xứ như trở nên quá bé nhỏ so với dòng người tham dự. Mỗi nghi thức của Tam nhật diễn tả sâu đậm mỗi khía cạnh trong cao điểm tình yêu Con Thiên Chúa. Việc diễn tả các nghi thức có thể kéo dài, nhưng thời gian và không gian như dừng lại để lòng mỗi người vẫn luôn đắm chìm trong ngậm ngùi của Tình yêu Giêsu. Cao điểm là Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày mà bầu trời như sẫm lại, ngày mà mọi vật như lặng im trước cái chết của Con Thiên Chúa- một ngày vừa đầy tang thương nhưng lại vừa tràn trề niềm hy vọng.

Ôi tình yêu cao vời, tình yêu nhiệm mầu, tình yêu giao hòa, tình yêu nối kết, tình Chúa yêu trần thế chúng ta.

Quả thực Mùa chay năm nay, giáo xứ đã sống trọn vẹn lời mời gọi của Giáo hội là sống biến đổi. Từ các em thiếu nhi, các thanh niên nam nữ, những người trung niên đến các cụ già, như biểu lộ sự bình an của Chúa Phục sinh đang sống trong họ.

Chúa nhật Lễ Lá, cùng với Giáo hội hoàn vũ, giáo xứ Bà Lụa long trọng khai mạc tuần thánh.

Đoàn rước kiệu lá

Hợp với Dân chúng ngày xưa đón Chúa vào thành Giêrusalem, mỗi người giáo dân trên tay cầm lá để cùng tuyên xưng và tung hô Chúa Giêsu Kitô là cứu Chúa của mình, Ngài thuộc dòng dõi Đavít, là Vua vũ trụ và Vua lòng mọi người. Hôm nay, mỗi người cùng chiêm ngưỡng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Người Tôi Tớ Giavê, Đấng cứu độ nhân loại duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Mỗi người một cành lá, mỗi người một tấm lòng, cùng kiệu lá, để nhắc nhở cho mỗi người nhớ đến biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng và huy hoàng. Đồng thời, việc kiệu lá cũng nêu cao vương quyền của Chúa Giêsu, Ngài là Vua các tâm hồn. Là những người tin Chúa, và cũng là môn đệ của Chúa, chúng ta cùng chúc tụng, tung hô, yêu mến và biết ơn Chúa Giêsu, vì Ngài đã chết cho chúng ta và vì chúng ta.

Bao tâm tình yêu mến của con dân trong giáo xứ được diễn tả lại qua việc mỗi người ý thức được giá trị và ý nghĩa của Mùa hồng ân. Trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, cộng đoàn giáo xứ đã được giáo xứ tổ chức 3 ngày tĩnh tâm đầy sốt mến và ý nghĩa, đã kín múc được tràn đầy ân thánh Chúa. Tất cả những gợi ý của quý cha giảng phòng đều mang đến cho dân Chúa một sức mạnh để biến đổi, để hy sinh, để sống trọn tâm tình của Đấng đã tự hạ mình chết cho tội lỗi nhân gian.

Với biết bao tâm tình đong đầy, mọi người bước vào Tam Nhật Thánh.
Trong Ba Ngày Thánh trọng đại này, mọi người như được sống lại những giờ phút. Giờ phút mà không chỉ là một tưởng niệm về một biến cố quá khứ, nhưng là cùng thông chia vào vinh quang của thập giá Đức Giêsu, và vinh quang phục sinh của Người nữa. Mỗi người trong giáo xứ đều mang nhiều tâm trạng. Buồn thương như chia ly với giây phút Chúa Giêsu và các môn đệ sắp từ biệt nhau; nhưng lại thật tràn đầy niềm hy vọng vì tình yêu thương của Thiên Chúa đã đến tột cùng.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày của Tình Yêu. Ngày nói lên Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu của loài người đối với Thiên Chúa và tình yêu của con người đối với nhau. Chúa đã để lại cho cộng đoàn những người tin vào Ngài một báu vật vô song là chính Mình và Máu Thánh của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Và cũng với tình yêu ấy, cử chỉ khiêm tốn và yêu thương của Chúa Kitô đã thực hiện đối với các môn đệ, đó là rửa chân cho họ để dạy cho chúng ta bài học khiêm nhường, bái ái, yêu thương và phục vụ.

Đặc biệt, đêm nay, Giáo hội được mời gọi ở bên mộ Chúa, ở kề bên Chúa, lưu lại trong Tình yêu của Người qua việc chiêm ngắm Thánh thể. Cộng đoàn dân Chúa lại thêm một tâm tình cảm tạ mến yêu, bùi ngùi và xúc động quỳ trước Thánh Thể Nhiệm Mầu để thỏa lòng yêu mến kính tin. Các giờ chầu được tiếp diễn như một nhắn gởi yêu thương đến Chúa Giêsu: Đoàn dân giáo xứ Bà Lụa muốn được canh thức cùng Chúa và muốn được kết hiệp với Tình yêu của Người.
  
giờ chầu Thánh Thể chung và riêng của các giới

Bước vào thứ sáu Tuần Thánh, ngày mà mọi trái tim dù chai đá đến đâu cũng phải dãn ra khi được chiêm ngắm cái chết Con Thiên Chúa.
Cộng đoàn lại thêm một ngày được trải nghiệm tình yêu của Đấng cứu chuộc khi chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại. Người đã để lại cho con người bài học quý giá: ‘muốn đến được đến vinh quang, con người phải trải qua đau khổ’. Chiêm ngắm mầu nhiệm thương khó của Chúa không muốn chúng ta dừng lại ở những tâm tình đau khổ thương tiếc, nhưng đồng thời dẫn chúng ta tới sự kết hiệp giữa việc Đức Kitô chịu thương khó, chịu chết thì cũng là Đức Kitô đã chiến thắng, đã Phục Sinh.

Buổi Suy tôn Thánh Giá được diến ra trong bầu khí thật sốt mến. Người người cùng cung kính, kính cẩn trước một cây thập giá, một cây gỗ, nơi mà treo thân Đấng Cứu Độ. Chúng ta không phải là ca ngợi, tôn kính cái giá gỗ treo xác Con Thiên Chúa, bởi vì đó là vật vô tri vô giác. Chúng ta Suy tôn Thánh Giá cũng không phải là đồng ý với khổ hình mà giới lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ đã chọn cho Chúa Giêsu, bởi vì đó là việc làm bất nhân mà con người có thể gây cho nhau. Đêm nay, mọi người Suy tôn Thánh Giá là thờ lạy Con Thiên Chúa trong tư thế một tội nhân chịu tử hình thập giá để cứu độ nhân loại. Cũng đêm nay, chúng ta Suy tôn Thánh Giá là tôn vinh, ca ngợi tình yêu vô biên của Chúa Cha khi ban Con Một yêu dấu của Người cho nhân loại, và Tình Yêu vô cùng của Chúa Con, đã vâng phục hạ mình cho đến chết. Đồng thời, suy tôn Thánh Giá là để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và để hiệp thông với nỗi thống khổ Con Thiên Chúa đã chịu ngày xưa cũng như hôm nay trong các chi thể của Người trên thế giới.
suy tôn Thánh Giá

Tôn vinh Thánh Giá còn là chọn con đường thập giá, là sống lời Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mc 8, 34). Và chính khi đi theo Đức Kitô trên đường thập giá là chúng ta cùng được hiển thắng với Người như lời thánh Phaolô đã nói: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng với Người, ta sẽ được cùng hiển trị với Người” (2Tm 2, 12). Tôn vinh Thánh Giá là chúng ta tôn vinh với ý nghĩa “Nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Bởi vì, mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu thì cũng đồng thời tuyên xưng Người đã Phục Sinh.

Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, chính là lúc mà Thánh Giá là biểu tượng cao cả của một tình yêu vô biên: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13). 
hôn chân Chúa

Sự ngậm ngùi tang thương của ngày thứ Sáu Tuần Thánh lại mang một cảm xúc thật trọn vẹn cho những người tin. Tang thương mất mát, đau khổ tột cùng nhưng lại chứa chan niềm hy vọng. Tâm tình cảm mến đó được kéo dài đến ngày hôm sau của Tam Nhật Thánh. 


Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc thương khó và sự chết của Người.
Niềm tang thương, nỗi đau buồn, tâm tình bịn rịn nhưng cũng tràn trề hy vọng của ngày thứ sáu đã được khai mở bởi thánh lễ Phục sinh. Đêm nay là đêm cực thánh, đêm hồng phúc. Chúa Kitô ra khỏi mồ, vượt qua sự chết, Ngài đã chiến thắng tử thần để đi vào sự sống vĩnh hằng.

Thật nhiều xúc động và tâm tình của đêm cực thánh, đêm nay, một ánh lửa chiếu sáng nhân gian, là hình ảnh Đức Ki tô, Người đến xua tan bóng tối, xua tan tội lỗi, xua tan tội ác, của ma quỷ và của sự chết đang bao phủ chúng ta. Người người trên tay với ngọn nến cháy sáng được chia sẻ từ Ánh sáng Phục sinh, cùng với đoàn rước Nến Phục sinh thật sốt mến. Ánh Sáng Phục sinh, ánh sáng Chúa Kitô dẫn lối cho kẻ đang lạc bước trong đêm tối tội lỗi trở về cùng Thiên Chúa tình yêu. Ánh nến Phục sinh có sức lan tỏa tựa sức sống Chúa Kitô hiện diện, làm cho bao trái tim con dân giáo xứ Bà Lụa lại một lần nữa rung lên vì nhịp đập tình yêu.

Thánh lễ vọng Phục Sinh

Đêm yêu thương, đêm hồng phúc, đêm huyền nhiệm, đêm hân hoan, đêm nối kết trời đất, đêm giao hòa, đêm kết hợp muôn lòng với Thiên Chúa yêu trần thế. Đêm của tình yêu Giêsu, đêm của một tình bạn thẳm sâu, đêm mà bao đau đớn, xót thương, trầm lặng rồi vỡ òa theo nhịp đập của Trái tim Giêsu, để mọi tâm hồn cùng chung một lòng Halleluia. Chúa Kitô là đấng thống trị toàn năng đã vinh thắng khải hoàn, đưa mọi người về với Chúa Cha đấng đầy lòng thương xót. Ca mừng Chúa phục sinh, ca mừng tình yêu Thiên Chúa, ca mừng ơn cứu độ muôn đời. Giáo dân giáo xứ Bà Lụa hợp với triều thần thiên quốc cùng hát mừng Halleluia!


các hình ảnh liên quan:


  
Tu sĩ Giuse Lê Xuân Dinh
Ảnh: Têrêxa Ly

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 11,45-56

45 Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu. 46 Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. 47 Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. 48 Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". 49 Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! 50 Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". 51 Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, 52 và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.

53 Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. 54 Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. 55 Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. 56 Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Suy niệm: Cuối cùng các thượng tế và những người biệt phái quyết định giết Chúa Giêsu. Thượng tế Cai-pha nói: ".... thà một người chết thay cho dân....." và Thánh Gio-an đã giải thích điều này: đó không phải là tự ông nói mà là lời tiên tri về cái chết của Chúa Giêsu- cái chết thay cho dân, và cũng nhờ cái chết của Ngài nên những người con tản mác ở khắp mọi nơi được quy tụ lại với nhau.
Cầu nguyện: Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá là để quy tụ con cái Ngài đang tản mác khắp nơi, trong đó có cả con nữa, con xin tạ ơn Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã quy tụ con về với Ngài, nhưng thực sự đôi lúc đôi chân con vẫn "quay bước lại" với Lời Ngài, xin cho tâm hồn con luôn vững vàng bên Chúa, là đứa con ngoan của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, vẫn còn nhiều Người chưa biết Chúa vẫn chưa được quy tụ về với Hội Thánh, và con biết một phần nhiệm vụ đó là của con. Xin Chúa cho con đủ can đảm để làm chứng Ngài trong cuộc sống của con, làm cho càng nhiều người biết Chúa hơn. Amen
 

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Thứ 4 ngày 8/4/2014
Thứ Tư Tuần V Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 8,31-42


31 Khi ấy, Chúa Giê-su nói với những người Do Thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." 33 Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" 34 Chúa Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người Con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói." 39 Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham." Chúa Giê-su nói: "Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm."



Họ mới nói: "Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!" 42 Chúa Giê-su bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

Suy niệm: Người Do Thái luôn tự hào họ là con cái, là dòng dõi Áp-ra-ham, nhưng họ lại hành động trái ngược lại với Áp-ra-ham. Không những không tin vào những lời Chúa Giêsu nói mà họ còn tìm mọi cách giết hại Người.
Khi chúng ta phạm tội thì hiển nhiên chúng ta trở thành nô lệ cho tội lỗi, chúng ta mất tự do, mất quyền làm con Thiên Chúa. Thật dại dột khi chúng ta từ bỏ thân phận làm Con Thiên Chúa để đi làm  nô lệ cho tội lỗi. Tội lỗi là một tên lý hình giết hại Thiên Chúa và là kẻ sát hại linh hồn chúng ta mà chúng ta lại yêu mến nó, và khi đến giờ lâm chung nó lại đến sát phạt ta lần nữa.
Cách để chúng ta thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi chính là tìm ra sự thật... và sự thật thì chứa đựng trong Lời Ngài.
Khi Đức Cha Roncalli làm khâm sứ toà thánh tại Bungari, ngài nhận được một bức thư của một vị Linh mục chỉ trích về ngài nhiều mặt. Đọc xong bức thư, ngài không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị Linh mục kia. Thời gian trôi qua ngài được thăng chức Hồng Y, rồi đắc cử Giáo hoàng với danh hiệu Gioan XXIII. Có lần vị Linh mục kia được Đức Giáo hoàng tiếp kiến. Vị Linh mục rất lo lắng, sợ Ngài trách về chuyện cũ. Nhưng Đức Gioan XXIII không trách mà còn nói: “Cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Thánh Kinh và hằng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”. (Con đường hi vọng)

cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xưa kia chính vì tội bất tuân mà nguyên tổ chúng con đã phải làm nô lệ suốt đời, thì nay chúng con lại trở về kiếp nô lệ khi chúng con sa ngã. Chúng con ý thức rằng chính tội của cha ông chúng con đã đưa Người lên Thánh Giá, nhưng chúng con lại không nhận ra chính những lỗi tội chúng con phạm hôm nay lại quyết tâm đóng đinh Chúa lần nữa. Chúa đã không nỡ để chúng con sa kiếp nô lệ, để chịu cuộc sống trầm luân. Ngài giải thoát chúng con bằng trái tim yêu thương chân thành, bằng lòng nhân hậu của Người Cha chỉ khi chúng con quyết tâm trở về cùng Ngài. Vậy lạy Chúa, giờ đây con thành tâm sám hối những lỗi lầm chúng con vấp phạm, những tội lỗi đã vô tình đóng đinh vào chân Ngài, xin Chúa thương thứ tha chấp nhận và dủ tình thương thứ tha cho con

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Thứ ba ngày 8/4/2014
Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 8,21-30

21 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".

22 Người Do Thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói 'Nơi Ta đi các ông không thể tới được'?"

23 Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. 24 Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".

25 Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! 26 Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".

27 Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, 28 vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. 29 Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". 30 Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Suy niệm: Đối với người Do Thái, cái chết trên thập giá là cái chết tủi nhục và đáng xấu hổ nhất của một con người. Nhưng Đức Giêsu đã nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai". Như vậy, cái chết của Ngài không phải là một thất bại mà là chiến thắng- chiến thắng trong vinh quang. Ngài "được" đưa lên cao để cho những ai ngước nhìn Ngài mà được sống, như dân Israel xưa nhìn lên rắn đồng treo cao mà được cứu.
Chính lúc treo cao trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh, và nhờ đó mà chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Vì vậy, nối gót theo Ngài, ta cũng phải kiên trì vác Thánh Giá theo Ngài để được cùng vinh quang với Chúa Giêsu Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là biểu tượng cho mọi nguồn ơn cứu rỗi. Xin cho chúng con biết luôn chạy đến với Chúa mỗi khi chúng con vấp ngã, đặc biệt trong mùa Chay Thánh này. Lạy Chúa, chúng con là "những đứa con hư" mà Chúa vẫn sẵn sàng hi sinh để cứu chuộc vì tình yêu mầu nhiệm của Ngài là bao la. Xin Chúa dạy con biết lấy tình yêu làm biểu tượng của cuộc đời, để con sẵn sàng yêu thương tha nhân như chính Chúa đã yêu thương con. Amen
Têrêsa Ly

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

ngày 7/4/2014
Thứ Hai Tuần V Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 8,1-11



1 Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. 2 Và từ sáng sớm, Người lại vào trong Đền Thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. 3 Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. 4 Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, 5 mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" 6 Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". 8 Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. 9 Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. 10 Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" 11 Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

Suy niệm: Đời người chúng ta luôn được đánh dấu bằng những bước ngoặt, những nghịch cảnh, những khúc quanh trong cuộc đời…tất cả dễ làm cho chúng ta chao đảo, nhưng đó lại là bài học quý giá để chúng ta hiểu đời, hiểu người hơn sau những biến cố.

Sự kiện bị bắt quả tang là một dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay. Theo luật Mô-sê thì “Tội ngoại tình” sẽ bị ném đá cho đến chết. Nắm được cơ hội đó các kinh sư và người Pharisiêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến với Chúa: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Theo luật Mô-sê thì phải ném đá, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Lời nói có vẽ ngọt ngào, nhưng bên trong chất chứa cả một thủ đoạn, họ muốn gài bẩy Chúa và đẩy Chúa vào thế bị động, phải chọn một trong hai thái độ, mà thái độ nào cũng tố cáo được Chúa. Nếu Chúa tha cho người phụ nữ ngoại tình, thì họ sẽ tố cáo Chúa về tội coi thường luật Mô-sê. Còn nếu Chúa cho ném đá thì trái với lòng nhân từ của Chúa dành cho người tội lỗi.

Chúa đã thể hiện một hành động tế nhị trước lỗi lầm của tha nhân đó là khi đám đông thì tố cáo và đòi ném đá người phụ nữ, còn Chúa thì “cúi xuống viết trên đất”. Chúa bàng quan không để ý đến ai, cả người bị cáo lẫn người tố cáo. Sự im lặng của Chúa không phải để tìm cách đối phó, trả đũa, nhưng Chúa im lặng để đưa mọi người trở về với con người thật, một con người tội lỗi. Nếu trước đó cả đám đông tỏ vẻ đắc thắng hò la kết án, thì giờ đây đã chìm xuống, tạo nên một không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng Chúa nói nhỏ nhẹ với đám đông: “Ai trong các ông sạch tội thì lấy đá mà ném trước đi”. Tiếng nói của Chúa tuy nhỏ nhẹ nhưng đã có sức tác động vào lòng người rất lớn và sau lời nói đó, bắt đầu từng người một, từ người lớn tuổi trước, đến người ít tuổi lần lượt buông đá xuống và ra đi trong âm thầm, chỉ còn một mình Chúa và người đàn bà.

Tâm lý sống thường tình của con người là ‘khắt khe với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình’. Biết ai có tội thì tìm mọi cách lên án, nhưng bản thân mắc tội thì lại ‘ra sức biện hộ’ hoặc chỉ muốn ‘dễ dãi bỏ qua’! Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng con cần chất vấn lại chính mình trước mặt Chúa vì “con người chẳng có ai vô tội để có thể mạnh miệng lên án người khác!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, loài người thì không có quyền lên án, nhưng chúng con lại thích lên án, thích “ném đá” người khác. Chúng con cũng là những tội nhân, là bị cáo trước mặt Chúa. Thế nhưng, chúng con lại thích làm những quan toà để lên án, để “ném đá” người khác. Thậm chí còn đòi kết án luôn cả Chúa nữa. “Ném đá” bằng ánh mắt ganh tị, ghen ghét; “Ném đá” bằng những tư tưởng, lời nói gắt gỏng chua cay; “Ném đá” bằng hành động trù dập và loại trừ….Chúng con thường không xét mình, không nhìn lại lương tâm của mình, hơn nữa, vì chúng con chưa biết nhận ra tình yêu tha thứ của Chúa dành cho chúng con, để rồi đến lượt chúng con, chúng con cũng không biết cảm thông, không bao dung cho những sai lỗi, vấp phạm của anh em mình.

Lạy Chúa Giêsu xin đừng để chúng con khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
 Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen, xin cho quả tim con đủ lớn để yêu thương tất cả các em thiếu nhi mà Chúa gửi đến cho chúng con. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con, cũng như có thể đón nhận những người thương yêu con.
Xin Chúa luôn đồng hành với chúng con, để chúng con cũng có được trái tim như Chúa, biết yêu thương và đón nhận những người bạn chung quanh dù xấu dù tốt, biết lắng nghe những người thay mặt Chúa hướng dẫn chúng con.

Xin Chúa cho chúng con biết họa lại tâm gương yêu thương của Chúa, để khi chúng con nhìn tha nhân không chỉ bằng con mắt và tình cảm riêng của chúng con, mà chúng con nhìn với đôi mắt của Chúa, và mỗi lần găp những ai đau khổ, bất hạnh, chúng con có thể thấy được nơi họ sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm mà họ đang cần chúng con trao cho họ. Amen.



Tu Sĩ Giuse Lê Xuân Dinh

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

6/4/2014
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - Năm A
Lời Chúa: Ga 11,1-45



1 Hồi đó, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."

5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.

6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !" 8 Các môn đệ nói : "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?" 9 Đức Giê-su trả lời : "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !"

11 Nói những lời này xong, Người bảo họ : "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." 12 Các môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ : "La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !"

17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi.18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Đức Giê-su nói : "Em chị sẽ sống lại !" 24 Cô Mác-ta thưa : "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25 Đức Giê-su liền phán : "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?" 27 Cô Mác-ta đáp : "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !"29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi : "Các người để xác anh ấy ở đâu ?" Họ trả lời : "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." 35Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói : "Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !" 37 Có vài người trong nhóm họ nói : "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?" 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói : "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." 40 Đức Giê-su bảo : "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?" 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng : "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !" 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."

45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

Suy niệm: La- da- rô là bạn của Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà Ngài giúp ông ngay lập tức. Ngài đã đợi hai ngày sau đó mới lên đường "đi đánh thức" La- da- rô. Chúa Giêsu chết để cho La- da-rô được sống lại vì đó là cớ cho những người chống đối Ngài (sau chuyện này thượng hội đồng Do Thái quyết định giết Chúa Giêsu)

Thái độ ấy của Chúa Giêsu đối với La- da- rô cũng chính là thái độ của Ngài đối với dân Israel, Ngài chết để dân Ngài được sống, chết để chúng ta được sống.

La- da- rô chết để được sống lại trong Chúa. Phần tôi, tôi tin vào sự chết, tôi tin rằng sự chết là một phần của sự sống và chúng ta phải chết để được sống lại với Người. "Đối với chúng ta sự chết là một thứ thuốc giặt" (cha Vianney).

Một người giàu có, nghe đồn một linh mục kia có đường giây điện thoại trực tiếp với cung điện Thiên Chúa. Ông quyết định hỏi Linh Mục một thắc mắc mà ông cho là tối quan trọng đối với ông:
- Thưa Cha, con nghe nói Cha có đường dây trực tiếp với cung điện Thiên Chúa, vậy nếu Cha giúp con việc này con sẽ chịu hết mọi phí tổn cho công cuộc tu sửa nhà thờ của Cha.
Khi nghe tới có người có người sẵn sàng thanh toán mọi nợ nần cho công cuộc tu sửa nhà thờ, vị Linh Mục hết sức vui mừng, hỏi:
- Vậy, tôi có giúp gì được không?
người giầu nói:
- Xin Cha tìm cách nào cho con biết là sau khi chết, con có được lên thiên đàng hay không? Tên con đã được ghi vào sổ hằng sống chưa?
Vị Linh Mục đáp:
- Yêu cầu của ông khó quá. Nhưng thôi, để tôi cố thử xem.
Ít hôm sau, người giầu trở lại để xem kết quả ra sao. Ông hỏi Linh Mục:
- Thưa Cha, Cha đã có tin tức gì cho con chưa?
Linh Mục đáp:
- Có, tôi đã gọi điện lên thiên đàng và được biết một tin vui và một tin buồn về ông. Vậy bây giờ ông muốn nghe tin nào trước
- Xin Cha cho biết tin vui trước.
- Tin hết sức vui mừng cho ông là sau khi chết, ông sẽ được lên thiên đàng, tên của ông đã được ghi vào sổ hằng sống rồi. Xin thành thực chúc mừng ông.
Người giầu hết sức vui mừng và hỏi tiếp:
- Vậy còn tin buồn thì sao?
Linh mục đáp:
- Còn tin buồn cho ông là nội trong tuần này ông sẽ chết
Qua câu chuyện cho ta thấy, mọi người đều muốn lên thiên đàng nhưng để trải qua sự chết thì thì lại không muốn trải qua.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin rằng con phải chết thì mới được sống lại với Ngài. Muốn vậy, con phải chết đi mỗi ngày, đặc biệt trong tâm tình mùa chay này. Xin Chúa dạy con biết cách chết đi một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần kiêu căng trong con người con mỗi ngày ....

Têrêsa Ly

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

5/4/2014
Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 7,40-53

40 Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". 41 Kẻ khác nói: "Ông này thật là Đấng Kitô". 42 Người khác nữa lại nói: "Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavit?" 43 Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. 44 Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. 45 Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" 46 Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". 47 Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? 48 Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? 49 Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". 50 Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: 51 "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" 52 Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". 53 Sau đó ai về nhà nấy.
Suy niệm: Một câu hỏi lớn đặt ra cho người Do Thái là: Đức Giê-su Kitô là ai?... nếu như trước đây, dân chúng nói chung đều ủng hộ Ngài thì nay họ trở nên hoang mang và không tin Ngài, vì họ ngỡ rằng Ngài đến từ Galilea chứ không phải là người con phát xuất từ dòng dõi Vua Đa- vit và từ làng Bê- lem. Chính vì vậy mà "những người thừa hành" toan bắt Ngài, nhưng giờ của Ngài chưa đến nên họ không làm được gì. Những người biệt phái vẫn chối bỏ Ngài, lên án người và toan tính hại Người. Duy chỉ có Nicôđêmô lên tiếng bảo vệ Người, thì bị chụp mũ cho tội danh "đồng bọn Galilê".
Về phần chúng ta, có lúc nào chúng ta tự hỏi, Đức Kitô là ai? Riêng tôi, Đức Kitô là Đấng tôi được tìm hiểu từ khi còn trong lòng mẹ nhưng vẫn không có một câu trả lời rõ ràng rằng Người là ai, nhưng tôi biết Ngài là Đấng mà tôi phải dùng cả cuộc đời để tìm hiểu Ngài, suy ngẫm về Ngài và tìm sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của tôi. Ngài là Đấng tự có, hiện có và đang tới, là ánh sáng cần cho cuộc sống của tôi.
Trong cuộc sống chúng ta, có rất nhiều "kẻ biệt phái tìm bắt Chúa" nhưng cũng không ít người đứng ra bảo vệ Ngài như Nicôđêmô. Liệu rằng chúng ta có can đảm được như Nicôđêmô, lên tiếng bảo vệ Người Cha mà chúng ta tôn thờ, mỗi khi Ngài bị xúc phạm bởi "những người biệt phái". Hẳn rằng chúng ta còn nhớ câu chuyện của Thánh Phê- rô, ông đã tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Tối Cao Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng vẫn sẵn sàng chối bỏ Ngài khi cần sự xác tín.
Blondin là một trong những nghệ sĩ tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Niagara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không?”. Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, câu bé thét lên “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự bảo đảm của người biểu diễn. (góp nhặt)
Cầu nguyện: cảm tạ Chúa đã cho con được làm con của Ngài, được hưởng hồng ân lớn lao mà Chúa ban tặng. Thế nhưng đã nhiều lần con không đủ can đảm để tuyên xưng Chúa với những người chưa nhận biết Chúa, con đã chọn cách trốn chạy như Thánh Phêrô xưa. Vì vậy, lạy Chúa là Đấng nhân từ, xin cho con đủ can đảm, để con không chỉ tuyên xưng Ngài trên môi miệng mà còn bởi cuộc đời của con. Chúa đã ban cho mỗi người một thánh giá riêng và con cũng đã có Thánh giá riêng của cuộc đời con, xin cho con được vững lòng vác thập giá theo chân Chúa lên đồi Can-vê, cũng xin Ngài dạy con cách tìm được niềm vui từ thánh giá Chúa trao. Amen
Têrêsa Ly

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 7,1-2.10.25-30





1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người. 2 Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do Thái. 10 Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

25 Có một số người ở Giêrusalem nói: "Đây không phải là người họ đang tìm giết sao? 26 Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô? 27 Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

28 Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. 29 Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". 30 Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người

suy niệm: Cuộc tranh luận của người Do Thái với Chúa Giêsu vẫn còn dai dẳng vì họ vẫn không tin Ngài và còn muốn giết Ngài. Theo họ, Đấng Mê- si- a phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải là một người đặc biệt hay ít nhất là người có xuất thân hoàng tộc, vua chúa còn Chúa Giê- su thì họ không biết Ngài đến từ đâu. Vì thế, Ngài mới nói với họ rằng: Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta, nhưng họ vẫn không tin và càng muốn giết Ngài hơn.

Bởi đâu mà họ kém lòng tin như vậy, bởi đâu mà họ chối bỏ Ngài cách mạnh mẽ như vậy? chính vì họ nghĩ rằng họ quá hiểu về Đấng mê- si- a sẽ đến, họ quá rành rẽ về Thánh Kinh, về lời mà Mô- sê nói với họ.... và những thứ ngoài "cái suy nghĩ" của họ đều bị coi là sai lệch, là từ ma quỷ mà ra.

Với những luật sĩ biệt phái, Chúa Giê- su là cái gai trong mắt họ và họ cần phải tiêu diệt Ngài. Bản tính của con người là ghét bỏ lẫn nhau, ghét ai tài giỏi hơn mình, vì vậy mà ta cố gắng loại bỏ họ. Đôi lúc ta chỉ thích nhứng người khen ta, nịnh bợ ta mà ghen ghét những người dám nói thẳng những yếu kém của ta, lúc đó ta cũng chẳng khác những người biệt phái là bao.

cầu nuyện: Xin Chúa cho con biết nhận ra sự hiện diện của Ngài trong mọi biến cố cuộc đời con, dù lúc con vui hay lúc con buồn, cũng xin Ngài cho con biết nhận ra Thánh Ý Ngài, để con được sống trọn vẹn dưới cái nhìn của Chúa.

lạy Chúa, xưa kia những người Do Thái đã rắp tâm hãm hại Ngài vì sự mù quáng của họ, thì nay chúng con lại "đóng thêm đinh" vào thập giá Ngài vì những xúc phạm tới anh em tha nhân, cũng chính là hình ảnh của Ngài. Xin gìn giữ chúng con khỏi sự mù quáng để chúng con nhận ra Chúa trong cuộc đời con, xin giúp con từ bỏ những đam mê thấp kém trần tục làm xúc phạm đến Ngài. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn để có thể nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nhờ đó chúng con biết đối xử với nhau trong yêu thương chân thành. Amen.

Têrêsa Nguyễn Thị Ly

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Thứ Năm tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 5, 31- 47
31 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. 32 Có một Đấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. 33 Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. 35 Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. 36 Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. 37 Và Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, 38 và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tinĐấng Người đã sai đến. 39 Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, 40 vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
41 Ta không tìm vinh quang nơi loài người. 42 Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. 43 Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. 44 Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? 45 Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. 46 Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. 47 Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"
Suy niệm: Sau việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại vào ngày Sa- bát, những Người biệt phái vẫn còn tiếp tục bắt lỗi Người. Họ vẫn không chịu tin việc Người làm là vì noi gương Cha Ngài. Chúa Giêsu lại nói:  chính Môsê và lời của Môsê làm chứng rằng Ngài là Đấng Mê-si-a, nếu họ tin Mô-sê thì họ phải tin lời chứng của Mô- sê về Ngài là Con Thiên Chúa Tối cao.
Toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về Đấng Cứu Thế nhưng người Do Thái không những không nhận ra Ngài mà còn chối bỏ và loại trừ Ngài. Sở dĩ như vậy vì họ chỉ mong chờ một Đấng Cứu Thế hợp với sở thích của họ: phải là một anh hùng cứu họ khỏi cảnh đô hộ,  phải là một vị vua, người lãnh đạo làm cho đất nước họ ngày càng phồn vinh.... Chính vì vậy mà họ khôngg thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe Lời Ngài qua chính Lời Người Con.
Thế đó, nhiều lúc ta muốn hướng Thánh kinh theo đường ta muốn đi mà quên đi đường mà Thánh Kinh muốn chỉ ta đi. “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu” (góp nhặt)
Cầu nguyện: Xin Chúa soi sáng lòng con, mở mắt con, tâm hồn con, trí lực con để con hiểu được ý hướng của Ngài muốn con đi theo. muốn vậy, con phải từ bỏ mọi thành kiến định sẵn về Thánh Kinh trong con, phải khiêm tốn đón nhận lời Ngài và cho con tinh thần kiên trì làm theo những Lời Ngài dạy.
Têrêsa Nguyễn Thị Ly

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014




Lời Chúa ngày thứ tư tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 5, 17- 30



17 Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". 18 Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. 19 Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. 20 Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. 21 Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. 22 Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, 23 để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.

24 Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. 25 Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. 26 Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, 27 và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. 28 Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa 29 và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. 30 Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta".

Suy niệm: Bài trích Phúc Âm hôm nay tiếp theo đoạn Phúc Âm hôm qua: vì Chúa Giêsu chữa bệnh cho người bất toại vào ngày Sabbat nên một số người Do Thái trách Ngài đã làm việc vào ngày đáng lẽ ra phải nghỉ ngơi. Trả lời cho họ, Chúa Giêsu nói “Cha Ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm việc như vậy…Điều gì Chúa Cha làm thì Chúa Con cũng làm y như vậy”.

Công việc mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn làm liên lỉ đó là việc xót thương. Ngừời hằng yêu thương chúng ta không ngừng nghỉ như một người mẹ không bao giờ ngừng thương con . Tình thương của Ngài vẫn hằng hiện hữu trong cuộc sống của ta, chỉ là ta không chịu nhìn nhận nó mà thôi. Tình yêu ấy vẫn liên lỉ không hề nghỉ ngơi, nhưng trái tim ta đôi lúc lại cảm thấy mệt mỏi vì yêu thương người khác.

Cha Anthony de Mello một Linh Mục dòng Tên người Ấn Độ, có lần nói dỡn với mẹ để thử xem phản ứng của bà ra sao. Ngài nói:

- Mẹ à, con định bỏ chức Linh Mục, xuất tu để đi lấy vợ, mẹ nghĩ sao?

Bà mẹ đáp:

- tất nhiên mẹ sẽ rất đau lòng, nhưng mẹ sẽ coi vợ con như con của mẹ và sẽ yêu thương nó như chính con ruột của mẹ.

cầu nguyện: Xin Chúa cho chúng con luôn được yêu mến tha nhân một cách liên lỉ, yêu thương vô điều kiện như bà mẹ của Cha Anthony, và khi con mệt mỏi, xin Ngài tay đỡ, tay nâng để con được vác chung Thánh Giá cùng Người